--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh sởi

03/12/2024 07:07

Chia sẻ
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây. Kết quả phân tích dịch tễ học cho thấy, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh do chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh. Trước thực trạng trên, ngành Y tế Hà Nội đã đồng bộ các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh hiệu quả.
Quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh sởi Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Gia tăng ca mắc

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua từ ngày 22/11 đến 28/11, toàn Thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, trong đó 23 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vắc xin phòng sởi. Số mắc sởi cộng dồn năm 2024 là 140 trường hợp, ghi nhận bệnh nhân tại 26 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đáng lo ngại, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh do chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh. Cụ thể, phân bố theo nhóm tuổi có 43 trường hợp dưới 9 tháng (30,7%), 21 trường hợp 9 - 11 tháng (15%), 23 trường hợp 12 - 24 tháng (16,4%), 19 trường hợp 25 - 60 tháng (13,6%), 34 trường hợp trên 60 tháng (24,3%). Có gần 40% các trường hợp mắc bệnh do liên quan đến khả năng lây nhiễm sởi trong các bệnh viện khi khám, điều trị các bệnh khác. CDC Hà Nội nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh trong tháng cuối năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025.

Hà Nội chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh sởi
Lãnh đạo TTYT huyện Ứng Hòa kiểm tra công tác tiêm vắc xin sởi tại Trạm Y tế thị trấn Vân Đình.

Song song với việc tham mưu cho Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi. Theo đó, từ ngày 14/10, toàn Thành phố đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.

Kết quả cho thấy, toàn Thành phố đã thực hiện rà soát được 61.590 trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi, và 3.813 trẻ có tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong vòng 1 tháng trước chiến dịch (đối tượng tạm hoãn tiêm chủng). Như vậy, tổng số trẻ từ 1-5 tuổi thuộc đối tượng tiêm chiến dịch năm 2024 là 57.777 trẻ. Đối với đối tượng là nhân viên y tế, tổng số nhân viên y tế chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi thuộc đối tượng tiêm chiến dịch là 2.367 người. Tính đến ngày 15/11, kết quả đã tiêm được 57.903 đối tượng, trong đó có 55.640 đối tượng là trẻ 1-5 tuổi, đạt tỷ lệ 96,3% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch; 2.263 đối tượng là nhân viên y tế đạt tỷ lệ 95,6% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch. Đồng thời, phối hợp với các TTYT tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý các khu vực ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sởi.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh sởi; tuyên truyền về chiến dịch sởi giúp người dân nắm bắt được tình hình dịch, ý nghĩa của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh để cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng tham gia chiến dịch.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nhằm chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong thời gian tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sởi. Tham mưu, đề xuất với Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện có tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân sởi thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây chéo tại bệnh viện. Chỉ đạo các đơn vị tư nhân thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sởi trên địa bàn thành phố thực hiện báo cáo đầy đủ thông tin các trường hợp có xét nghiệm dương tính sởi cho CDC Hà Nội hoặc TTYT các quận, huyện, thị xã đóng trên địa bàn để phối hợp điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh truyền thông về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng sởi. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90 - 100% người chưa tiêm vắc xin, hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm vi rút sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện…

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Các chuyên gia khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi nên tiêm phòng sởi đầy đủ là trẻ chưa được tiêm vắc xin; thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây; người lớn tuổi có bệnh nền mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường; phụ nữ chuẩn bị có thai.

Sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng. Trẻ có thể gặp biến chứng viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi; viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong...

Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu. "Khi mắc sởi, cơ thể người mẹ chống lại vi rút sởi bằng cách gây sốt. Trong khi đó, nhiệt độ ở tử cung luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể 1 - 1,5 độ. Nếu mẹ bị sốt 39 - 40 độ, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm khi phải chịu nhiệt độ trong tử cung là 40 - 41,5 độ" - bác sĩ Chính giải thích.

Bác sĩ Chính cho biết, tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin có thành phần sởi như sởi đơn, sởi - quai bị - rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%. Đối với phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai 3 tháng, để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Minh Khuê

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm