--> -->
Dòng sự kiện:

Hà Nội nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh: Thiết thực, nhân văn

26/05/2025 22:08

Chia sẻ
Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện chính sách an sinh xã hội bền vững; thành phố Hà Nội đang tích cực nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Hà Nội đang nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh Về việc miễn học phí cho học sinh: Giúp giảm "gánh nặng" tài chính cho gia đình công nhân Tạo điều kiện tốt nhất để ngành GD&ĐT Thủ đô phát triển toàn diện

Nhân văn, hợp lòng dân

Giữa tháng 4/2025, trong buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi ý Hà Nội một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc: Nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh, song song với việc miễn học phí, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 nhằm đảm bảo dinh dưỡng và phát triển toàn diện cho học sinh.

Hà Nội nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh: Thiết thực, nhân văn
Thành phố Hà Nội đang tích cực nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo Tổng Bí thư, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tổ chức học hai buổi một ngày đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Chính sách miễn phí bữa ăn trưa tại trường sẽ giúp phụ huynh giảm áp lực đưa, đón con giữa buổi. Tổng Bí thư tính toán, Hà Nội hiện có khoảng 1,2 - 1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nếu mỗi suất ăn trị giá khoảng 30 nghìn đồng thì tổng kinh phí thực hiện chính sách này sẽ là con số không nhỏ. Tuy nhiên, với nguồn thu ngân sách của Thành phố trong quý 1 năm 2025 là 250 nghìn tỷ đồng thì việc miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh hoàn toàn có thể thực hiện được.

Gợi ý này của Tổng Bí thư đã chạm tới mối quan tâm “sát sườn” của người dân, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu sớm được đưa vào triển khai cùng chính sách miễn học phí, bữa ăn trưa miễn phí sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và người được hưởng lợi chính là học sinh, phụ huynh. Học sinh đến trường được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh, từ đó có thể tập trung học tập, rèn luyện cả ngày. Phụ huynh cũng bớt đi nỗi lo lắng về bữa ăn của con. Đặc biệt, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn trưa miễn phí sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn.

Là phụ huynh có 2 con đang trong độ tuổi ăn học, con lớn học lớp 7, còn con bé học lớp 2, chị Đặng Thị Huyền (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Nếu học sinh được miễn phí bữa ăn trưa, tôi tin chắc rằng, tất cả phụ huynh đều ủng hộ. Các con sẽ được ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ tại trường dưới sự giám sát của thầy cô giáo. Phụ huynh cũng giảm bớt gánh nặng tài chính hay áp lực đưa đón con”.

Chung quan điểm, chị Cao Thanh Hương (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) bày tỏ: “Tôi làm công nhân, còn chồng tôi làm lao động tự do. Tiền mỗi tháng kiếm được hai vợ chồng phải tính toán rất kỹ để đảm bảo phù hợp, vừa đủ chi trả chi tiêu trong tháng và ăn học của hai con, vừa có chút tiết kiệm để dành cho những vấn đề phát sinh. Cùng với việc miễn học phí, nếu gợi ý của Tổng Bí thư được thực hiện sẽ giúp gia đình tôi giảm bớt một khoản chi phí đáng kể”.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu Hà Nội thực hiện được bữa trưa miễn phí cho học sinh thì có thể xem xét nhân rộng ra cả nước.

Gợi ý này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân, nhất là với các gia đình công nhân, lao động phổ thông, hộ nghèo, chính sách…

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ) Kiều Thị Minh Hoa, nhà trường có tổ chức bán trú nhưng chỉ có khoảng 50 trên tổng số hơn 250 học sinh tham gia. Mặc dù chi phí bữa ăn bán trú chưa đến 30 nghìn đồng nhưng nhiều gia đình vẫn chọn phương án đón con về buổi trưa để tiết kiệm chi phí. “Nam Phương Tiến là xã nghèo, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Nếu Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai được chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí thì đây là sự chăm lo thiết thực cho học sinh và phụ huynh. Không chỉ giúp các em đảm bảo sức khỏe, học tập tốt hơn mà phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em ở trường”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ.

Cô giáo Vũ Thị Hương Giang (giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Long Biên) cho rằng, gợi ý thành phố Hà Nội nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh, song song với việc miễn học phí, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 của Tổng Bí thư Tô Lâm rất hợp lòng dân. “Đứng ở góc độ là một giáo viên hay là một phụ huynh, tôi đều hoàn toàn ủng hộ. Với phụ huynh, việc miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh sẽ góp phần giảm bớt áp lực kinh tế”, cô giáo Vũ Thị Hương Giang bày tỏ.

Cần lộ trình cụ thể

Có thể khẳng định, nếu thành phố Hà Nội triển khai được chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này cần lộ trình cụ thể, trong đó phải tính toán kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân lực và ngân sách.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) Tô Thị Hải Yến, để đảm bảo hiệu quả, nên ưu tiên triển khai trước tại các địa bàn khó khăn, trường học thiếu điều kiện bán trú. Bữa ăn trưa miễn phí là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu triển khai vội vàng sẽ dẫn đến hình thức, không hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành phố rất quan tâm từ kinh phí, ngân sách cho đến việc thực hiện các nội dung liên quan. Vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành các nội dung liên quan đến miễn, giảm học phí. Theo báo cáo, tổng số tiền miễn, giảm học phí hiện nay là khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo phương án mới, dự kiến thành phố Hà Nội sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó sẽ phải bù thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã giao thêm nhiệm vụ cho Thành phố tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh. Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đang nghiên cứu, báo cáo Thành ủy và Hội đồng nhân dân Thành phố để triển khai chủ trương nhân văn, có ý nghĩa thiết thực này.

Thảo Nguyên

Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm, khảo sát làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, chuyến thăm, khảo sát di tích lịch sử văn hóa và làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập là cơ hội quý báu để Hà Nội học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc gìn giữ di sản văn hóa và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, đồng thời là bước đi cụ thể tăng cường hoạt động đối ngoại Nhân dân.

Cần đảm bảo các chế độ đặc thù cho ngành Y tế Thủ đô

Ngành Y tế, với tính chất đặc thù, cần được đảm bảo các chế độ đặc biệt dành cho người lao động như tiền trực, chế độ bồi dưỡng tại chỗ và điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề. Điều này nhằm nâng cao đời sống, động viên tinh thần và đảm bảo sự ổn định cho lực lượng y tế, vốn đang đối mặt với nhiều áp lực và thách thức.
Xem thêm