--> -->
Dòng sự kiện:

Khẩn trương đưa Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào cuộc sống

07/05/2025 21:50

Chia sẻ
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tới năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, gấp đôi so với số lượng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay sau gần 40 năm đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thủ tục hành chính phải nhanh nhất có thể, đơn giản nhất có thể và chi phí ít nhất có thể, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản.
Việt Nam xuất khẩu hơn 140 tỷ USD hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2025 Toàn văn: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Chiều 7/5, với tinh thần khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

3 nhóm nhiệm vụ cần được thể chế hóa

Theo báo cáo của Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.

Nhóm 1, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào 10 cơ chế, chính sách cụ thể.

Khẩn trương đưa Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào cuộc sống
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhóm 2, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Với nhóm này, Bộ Tài chính cho biết gồm 8 cơ chế, chính sách cụ thể; kiến nghị các cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát, nghiên cứu bổ sung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp.

Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Quyết tâm tới năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống; do đó, phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách. Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung phong phú, cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi.

Phân tích, nhấn mạnh thêm một số nội dung để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo, Thủ tướng cho rằng cần rà soát, tập trung vào những nội dung mà doanh nghiệp, người dân đang mong đợi nhất, những nội dung cần thiết, cấp bách, những nội dung có thể làm ngay được mà chưa cần nhiều nguồn lực, những nội dung mang tính chất "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn, thực sự tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, tạo xung lực mới, động lực mới, tạo phong trào, xu thế phát triển doanh nghiệp, giải phóng được nguồn lực, sức sản xuất.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tới năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, gấp đôi so với số lượng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay sau gần 40 năm đổi mới, bởi doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, Thủ tướng nêu rõ, thủ tục hành chính phải nhanh nhất có thể, đơn giản nhất có thể và chi phí ít nhất có thể, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản.

Khẩn trương đưa Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào cuộc sống
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân, như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Đồng thời, cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 68 về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh hợp tác công tư theo các hình thức lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công.

Đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc đặt hàng các công trình, dự án cho doanh nghiệp thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn và không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Về thuế, những nội dung nào có thể làm được ngay thì khẩn trương triển khai, những nội dung cần nghiên cứu thêm thì tiếp tục nghiên cứu.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm", bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại;

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong tháng 5 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm yêu cầu theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 68 với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công bảo đảm "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm…

Phương Ngân

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí: Ưu việt, nhân văn

Chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí không chỉ hợp lòng dân mà còn thể hiện rõ tinh thần nhân văn, trách nhiệm xã hội và chiến lược đầu tư dài hạn cho nguồn nhân lực quốc gia; là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một nền giáo dục chất lượng, toàn diện, công bằng.

Quận Hoàn Kiếm nâng tầm điểm đến du lịch trung tâm Thủ đô

Hội nghị "Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Hoàn Kiếm với các doanh nghiệp lữ hành" với những đóng góp thiết thực từ các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để quận Hoàn Kiếm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng điểm đến du lịch, khẳng định vị thế "viên ngọc" của du lịch Thủ đô trong tương lai.

Thêm nguồn cung văn phòng và căn hộ hạng sang tại Bình Dương

Để sẵn sàng cho việc bàn giao căn hộ vào quý III/2025 và khai thác tòa nhà văn phòng với nhiều dịch vụ tiện ích, ngày 7/5, Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại - Đầu tư Bất động sản Tường Phong, chủ đầu tư dự án Roxana Plaza, quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, Bình Dương đã nhập 5 máy biến thế với công suất 1600 KVA về dự án để phục vụ việc hạ trạm, đấu điện cho dự án.
Xem thêm