-->
Dòng sự kiện:

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân

05/05/2025 14:16

Chia sẻ
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Phát triển kinh tế tư nhân: Cần thay đổi tư duy quản lý từ “kiểm soát” sang “kiến tạo” Sớm trình Bộ Chính trị Đề án phát triển kinh tế tư nhân Để kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước
Chú thích ảnh
Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh tư liệu - minh họa: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Nghị quyết số 68 nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lạo động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh trạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do: Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thế, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung cụ thể.

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Theo Nghị quyết số 68, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng; phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nghị quyết số 68 cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện các mục tiêu trên.

Theo TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc

https://baotintuc.vn/thoi-su/nghi-quyet-so-68nqtw-cua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-20250505135313320.htm

Quận Thanh Xuân sẽ cưỡng chế thu hồi đất dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây

Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thanh Xuân vừa ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND về phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

LĐLĐ quận Long Biên: Tri ân người lao động bằng những phần quà thiết thực

Sáng nay (8/5), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên tổ chức Chương trình “Cảm ơn người lao động” và “Hát cho công nhân nghe” năm 2025, thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 và hướng tới kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025).

Danh sách 133 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn số 2154/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học cùng các trường cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non về việc miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng năm 2025.
Xem thêm