--> -->
Dòng sự kiện:

Khi chuyển đổi số đi cùng mùa vụ

16/05/2025 13:55

Chia sẻ
Không còn là chuyện “làm ruộng lành nghề, chữ nghĩa lơ mơ”, phong trào “Bình dân học vụ số” do Hội Nông dân huyện Đan Phượng phát động đang viết lại một trang mới cho đời sống nông thôn hiện đại. Từ những người từng ngại chạm vào điện thoại cảm ứng, nhiều hội viên giờ đã biết tạo tài khoản, đọc tin tức nông nghiệp, thậm chí livestream bán nông sản.
Lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Xã hội hóa wifi miễn phí, phổ cập internet thúc đẩy phong trào "Bình dân học vụ số"

"Bình dân học vụ số" ở nông dân

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng không giấu được niềm vui khi nhắc về phong trào "Bình dân học vụ số" ở nông dân: "Ban Đầu chúng tôi lo rằng việc đưa kỷ nguyên số vào sinh hoạt hội viên sẽ gặp khó khăn, nhưng đến nay, nhiều bà con đã biết dùng ứng dụng để bán nông sản online, quét mã QR, thanh toán điện tử...".

Phong trào "Bình dân học vụ số" được xem như một câu trả lời hiện đại cho tinh thần bình dân học vụ trước kia - nơi mỗi người được biết chữ, biết số, để thoát khỏi vòng lặp lại nghèo đói. Ngày nay, việc biết dùng điện thoại thông minh, truy cập Internet, sử dụng App Nông dân Việt Nam hay iHaNoi để xem thời tiết, giá cả, đăng ký tham gia tập huấn online... trở thành "kiến thức cốt lõi" trong cách mạng nông thôn.

Phong trào “Bình dân học vụ số” tại Đan Phượng không khởi đầu bằng những bản kế hoạch nặng chữ, mà bắt đầu từ những buổi tập huấn nhỏ, nơi mỗi hội viên được cầm tay chỉ việc: mở máy, tạo email, tải ứng dụng “Nông dân Việt Nam”, biết tra giá phân bón, biết chụp ảnh sản phẩm gửi cho người mua. Ai học trước kèm ai học sau, ai chưa biết sẽ được chỉ tận tình, không mặc cảm, không bỏ ai lại phía sau.

Khi chuyển đổi số đi cùng mùa vụ
Hoa Đồng Tháp là một trong những mô hình nông nghiệp chuyển đổi số điển hình của nông dân Đan Phượng.

Từ khi phát động, phong trào lan tỏa đến 100% xã, thị trấn trong huyện. Nhiều hội viên lớn tuổi cũng không còn ngại ngần khi cầm điện thoại thông minh. Từ việc “dò dẫm” vào mạng xã hội, họ dần biết dùng Zalo để liên lạc, biết lên App iHaNoi để tra cứu chính sách hỗ trợ nông nghiệp, thậm chí có người còn biết lập tài khoản ngân hàng số để nhận thanh toán trực tuyến.

Điều đặc biệt ở Đan Phượng là phong trào không tách rời đời sống, mà gắn chặt với nhu cầu thực tế của người nông dân. “Chúng tôi không áp dụng công nghệ kiểu phong trào, mà tìm đúng điểm yếu của người dân: không biết bán hàng, không biết quảng bá sản phẩm, không biết tìm đầu ra...”, ông Son chia sẻ. “Từ đó, chúng tôi mới tổ chức từng lớp học nhỏ, dạy từng thao tác cụ thể - không phải để học cho biết, mà học để dùng”.

Hội Nông dân huyện đã triển khai hàng chục mô hình “Gia đình số”, “Nông dân chuyển đổi số”, “Chợ số”, câu lạc bộ “Nông dân sản xuất thông minh”. Nhiều xã như Tân Hội, Liên Trung, Thọ An… đã có tổ công nghệ số cộng đồng, trực tiếp cầm tay hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại để đăng ký khám bệnh online, thanh toán điện - nước không dùng tiền mặt, hay ghi nhật ký sản xuất bằng mã QR.

Phong trào “Bình dân học vụ số” cũng được tích hợp linh hoạt vào các hoạt động thường kỳ của Hội: từ sinh hoạt chi hội đến phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Việc phổ cập kỹ năng số dần trở thành nhiệm vụ trọng tâm, gắn với mọi khía cạnh trong đời sống nông thôn.

Tư duy mới đến từ nhu cầu của người nông dân

Khi chuyển đổi số đi cùng mùa vụ
Hội Nông dân liên tục mở các lớp tập huấn, đào tạo chuyển đổi số cho nông dân

Nếu trước đây, người nông dân đứng ngoài cuộc chơi số hóa, thì giờ họ đang từng bước trở thành chủ thể của chuyển đổi số nông nghiệp. Họ không chỉ là người học, mà đang dần trở thành người hướng dẫn lẫn nhau, người vận hành các mô hình số tại địa phương.

"Chúng tôi đặt mục tiêu rất rõ: đến năm 2026, 100% hội viên sử dụng thành thạo App Nông dân Việt Nam, iHaNoi, có địa chỉ số, danh tính số, biết sử dụng các nền tảng số để phục vụ sản xuất, giao dịch, quảng bá sản phẩm, và quan trọng nhất - họ phải thấy việc học là nhu cầu tự thân, không ai ép”, ông Thiều Văn Son cho biết.

Để làm được điều đó, Hội đã kết nối phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng, sàn thương mại điện tử, các ngành chuyên môn huyện. Thành phố tổ chức lớp học kỹ năng số ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp: từ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, livestream bán hàng, đến thương lượng với khách qua nền tảng số. Đặc biệt, nhiều mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo thời tiết, sâu bệnh, giống cây trồng… cũng bắt đầu được đưa vào thử nghiệm tại các mô hình hợp tác xã.

Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ lan rộng mà đang chuyển dần từ hình thức sang thực chất. Không chỉ là “cài ứng dụng”, “quét mã”, mà còn là “đổi tư duy”, “mở lòng học cái mới”, và “sống chủ động trong thế giới số”.

Ở Đan Phượng, người nông dân giờ không còn bị gắn với hình ảnh lạc hậu, thụ động. Họ đã biết tự tìm đầu ra, biết tra cứu kiến thức, biết học suốt đời - không cần ngồi lớp, chỉ cần một chiếc điện thoại đủ pin và đủ dũng cảm để học.

Phong trào “Bình dân học vụ số” là một hành trình chuyển hóa - không chỉ về công nghệ, mà là hành trình nâng cao vị thế của người nông dân trong xã hội hiện đại. Nó bắt đầu bằng chữ số, nhưng kết thúc bằng một chữ cái khác: Niềm tin - vào chính mình, vào tương lai của nông thôn thông minh, và vào sự đổi thay có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Bảo Thoa

Đẩy mạnh công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động

Nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề Tháng Công nhân năm 2025 "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới", đạt các mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các Công đoàn cơ sở, công nhân lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn.

Tai nạn giao thông giảm ở Hà Nội

Qua thống kê, trong quý I/2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người tử vong, 199 người bị thương. So cùng kỳ năm 2024 giảm 81 vụ.

Hết năm 2023, tổng số nợ công bằng 36,07% GDP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023. Theo đó, tổng số thu NSNN là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 2.076.244 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Tổng số nợ công là 3.722.699,95 tỷ đồng, bằng 36,07% GDP.

Hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam số an toàn, nhân văn, thịnh vượng; là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Xem thêm