--> -->
Dòng sự kiện:

Nhận diện tội phạm lừa đảo công nghệ cao

27/06/2023 16:17

Chia sẻ
Để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội đã “chỉ mặt, điểm tên” hàng loạt những chiêu trò tinh vi của loại tội phạm này. Đồng thời, Công an các địa phương và nhân viên chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao.
Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Ngăn chặn các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao: Ý thức người dân vẫn là trên hết!

Liên tiếp ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo

Chỉ tính riêng trong tuần thứ 3 của tháng 6/2023, ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội có ít nhất 3 vụ việc người dân đã tới ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản gần 300 triệu đến hơn 3 tỷ đồng, nhưng may mắn được nhân viên ngân hàng và lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn.

Ngày 21/6, bà N (sinh năm 1967; trú tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhận là cán bộ Công an tỉnh Bình Định, thông báo bà N liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn. Sau đó, người này hướng dẫn bà N mở một tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản đó để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giam. Do lo sợ, bà N một mình đến ngân hàng Agribank để rút tiền từ sổ tiết kiệm và mở tài khoản chuyển tiền vào tài khoản đó theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo.

Khi đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì, bà N yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm, số tiền 260 triệu đồng. Biểu hiện mệt mỏi và trạng thái tâm lý hoang mang của bà N đã được nhân viên ngân hàng nhận ra và nhanh chóng liên hệ với Công an huyện Ba Vì.

Sau khi nắm tình hình, cán bộ Công an huyện Ba Vì và nhân viên Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Ba Vì đã giải thích rõ cho bà N về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng khi lợi dụng mạng viễn thông giả danh Cơ quan Công an để gây án và nhắc nhở bà N không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng...

Hà Nội: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Vợ chồng ông bà T (ngoài cùng bên phải) xúc động cảm ơn nhân viên ngân hàng và Công an phường Đức Giang đã giúp họ thoát "bẫy lừa" hơn 3 tỷ đồng (Ảnh: CAHN)

Ngày 22/6, nhân viên phòng giao dịch Việt Hưng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thành Đô, cùng Công an phường Đức Giang, quận Long Biên, đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo của đối tượng giả danh Công an, gọi điện uy hiếp đôi vợ chồng già là ông T (sinh năm 1948) và vợ là bà P (sinh năm 1950) cùng trú ở phường Đức Giang, quận Long Biên.

Khi các đối tượng lừa đảo bắt vợ chồng ông T chuyển khoản hơn 3 tỷ đồng để “chứng minh vô tội”. Rất may, nhân viên ngân hàng do từng được Công an phường Đức Giang tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo giả danh Công an, nên đã báo tin đến Công an cơ sở.

Đại diện phòng giao dịch Việt Hưng - Chi nhánh Thành Đô cho biết, nhận thấy dấu hiệu là của 2 khách hàng, nhân viên phòng giao dịch tìm cách kéo dài thời gian; đồng thời gọi điện cho Công an phường Đức Giang. Các đồng chí Công an đã ngay lập tức có mặt để trấn an tinh thần, cũng như khuyên giải cho ông bà T, tránh được "bẫy lừa" của tội phạm lừa đảo.

Cũng liên quan đến hành vi lừa đảo trên không gian mạng, sáng 23/6, Trưởng Công an xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) nhận được thông tin từ nhân viên Phòng Giao dịch Agribank Cầu Lão - Chi nhánh huyện Ứng Hòa về việc có một cụ ông tới làm thủ tục rút tiền với tâm trạng bất bình thường. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, thấy ông A có các biểu hiện khác thường nên nhân viên Phòng giao dịch Cầu Lão là chị Nguyễn Thị Bích Hạnh đã tạm dừng giao dịch để liên hệ cơ quan Công an phối hợp.

Sau khi được Công an xã Quảng Phú Cầu phân tích về kiến thức phòng, chống tội phạm trong thanh toán, cảnh báo tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ông A đã dần bình tĩnh và ngừng mọi giao dịch, kịp thời giữ lại số tiền 120 triệu đồng.

Trên đây chỉ là 3 trong số các vụ việc cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy số vụ việc tích cực trên còn khiêm tốn so với thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ cao; nhưng điều này cho thấy, biện pháp tuyên truyền càng bền bỉ, càng đi vào chiều sâu, hướng đến các hộ gia đình, ngân hàng và người dân, chắc chắn sẽ càng phát huy hiệu quả.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh

Theo Công an quận Hoàn Kiếm, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn. Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Công an thành phố đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân về phương thức thủ đoạn của tội phạm (Ảnh: CAHN)

Dẫn chứng về điều này, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Hoàn Kiếm cho hay, trong số các tin báo liên quan đến các vụ lừa đảo công nghệ cao, Công an quận đã tiếp nhận 17 tin tội phạm “hack” tài khoản mạng xã hội, giả lập người quen để vay tiền gấp.

Đây là phương thức thủ đoạn khá quen thuộc được các đối tượng sử dụng, nhưng do người dân chủ quan nên vẫn “sập bẫy”. Tội phạm trong quá trình dẫn dắt bị hại thường đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân không có sự đề phòng. Nếu không tỉnh táo, các đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Chỉ huy Công an quận Hà Đông thông tin thêm, trong quá trình dẫn dắt bị hại, đối tượng lừa đảo đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo công nghệ cao, đơn vị đã đặt biển cảnh báo (khổ A4, nền đỏ, chữ vàng) tại tất cả phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn...

Để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an Thành phố đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân bằng các hình thức như: Thông qua hệ thống loa phát thanh, nhóm Zalo, Facebook phòng, chống tội phạm trên địa bàn các phường; lồng ghép nội dung trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng.

Lực lượng Cảnh sát khu vực chủ động trực tiếp phát các bài tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, người dân; đồng thời, đăng tải bài tuyên truyền trên bảng tin tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa và các cụm dân cư.

Đặc biệt, lực lượng Công an cũng phối hợp với các cấp hội tuyên truyền trực tiếp đến từng hội viên nhằm lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, đặc biệt chú ý đến đối tượng là người cao tuổi, sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình. Về phần người dân, cần nâng cao ý thức, kiến thức để phòng tránh và đối phó với những trường hợp lừa đảo trên không gian mạng.

Minh Phương

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm