--> -->
Dòng sự kiện:

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

29/10/2022 17:09

Chia sẻ
Sáng nay, 29/10, tại trụ sở, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 4.400 cán bộ Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước Phát huy vai trò của nữ cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Thủ đô Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất: Chú trọng nâng “chất” đội ngũ cán bộ công đoàn

Chủ trì hội thảo có ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, cả nước có 7.000 cán bộ công đoàn chuyên trách, khoảng 1,2 triệu cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cán bộ công đoàn chuyên trách trước hết phải thực hiện theo pháp luật về cán bộ, công chức, vì vậy, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định của cán bộ, công chức. Ngoài ra, cán bộ công đoàn còn cần có kiến thức tương đối toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội và các kỹ năng cơ bản; có khả năng vận động quần chúng...

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, yêu cầu về phẩm chất cá nhân đối với cán bộ công đoàn là rất khắt khe và phong phú, ví dụ như: Tuyệt đối trung thành, tin tưởng, nghiêm túc chấp hành chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà Nước, nội quy, quy chế cơ quan; phải có tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp công tác tốt; trung thực, kiên định, nhưng biết lắng nghe; điềm tĩnh, cẩn thận, kiên nhẫn, bền bỉ, tỉ mỉ, chịu khó; có khả năng sáng tạo và tư duy độc lập; kỹ năng giao tiếp ứng xử đúng mực… Về kỹ năng, cán bộ công đoàn cần có kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, làm việc nhóm…

Phó Chủ tịch Trần Văn Thuật gợi ý, các ý kiến của hội thảo về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nên tập trung vào 2 đối tượng cán bộ công đoàn là cán bộ công đoàn chuyên trách và Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: yêu cầu đặt ra về năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn trong thời gian tới; những giải pháp, kiến nghị để xây dựng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng trong tinh hình mới…

Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Duy Vũ cho rằng, mỗi tổ chức sẽ có đặc điểm khác nhau, áp dụng cứng nhắc sẽ khó thực hiện. “Tới đây cần sửa đổi Luật Công đoàn 2012, cần có điều riêng quy định về cán bộ công đoàn. Sửa đổi bổ sung điều 23 của Luật Công đoàn về nội dung Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ, công chức để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật theo hướng rõ và cụ thể hơn" - ông Nguyễn Duy Vũ đề xuất.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Nêu một số yêu cầu đặt ra với cán bộ công đoàn trong tình hình mới như yêu cầu về nhận thức, năng lực; về kỹ năng, tác phong; tâm huyết với công tác công đoàn; TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, vấn đề cán bộ công đoàn chỉ có thể được giải quyết căn bản khi công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn có những đổi mới đột phá, trong đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn; thiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, tạo điều kiện cho cán bộ trau dồi, hoàn thiện bản thân, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động.

Đồng thời, theo TS Nhạc Phan Linh, cần thực hiện tốt các chính sách đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, bao gồm chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, các chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ công đoàn và bảo đảm điều kiện làm việc của cán bộ công đoàn.

TS Phạm Thị Thu Lan - Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho rằng, yêu cầu đối với cán bộ Công đoàn cơ sở là phải được đoàn viên và người lao động thừa nhận. “Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy rất nhiều công nhân mong muốn người đại diện cho mình phải là công nhân trực tiếp, gần gũi và hiểu nguyện vọng của công nhân” - TS Phạm Thị Thu Lan cho biết.

Theo TS Phạm Thị Thu Lan, để được sự thừa nhận của đoàn viên và người lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cần có ba khả năng quan trọng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Quang cảnh hội thảo

Thứ nhất là năng lực tiếp xúc, nói chuyện với người lao động để tập hợp, thiết lập mạng lưới liên kết trong công nhân, xây dựng sức mạnh tổ chức và cùng nhau hành động. Năng lực giao tiếp đặc biệt quan trọng đó là giao tiếp trong giáo dục đoàn viên và người lao động để họ cùng với Công đoàn hành động.

Thứ hai là năng lực tổ chức và trình bày rõ ràng các mục tiêu, chiến lược hành động của công đoàn và phân công người thực hiện hướng tới mục tiêu chung. Thứ ba là năng lực huy động nguồn lực và sự ủng hộ, hỗ trợ từ bên ngoài tổ chức Công đoàn.

Nêu ý kiến tại hội thảo, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng không nên có quy định cứng là cán bộ công đoàn có thể hay không thể là những nhân sự đang tham gia công tác quản lý tại doanh nghiệp mà chỉ có quy định cứng đó là những người được người tập thể lao động tại doanh nghiệp bầu ra và cam kết bảo vệ lợi ích người lao động tại doanh nghiệp.

Ông Cường cũng đề xuất cần có sự kiểm tra, giám sát của Công đoàn cấp trên cơ sở đối với cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp. Trong trường hợp phát hiện ra những việc làm hay biểu hiện của cán bộ Công đoàn cơ sở bảo vệ lợi ích của chủ doanh nghiệp và đi ngược lại lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp đó thì Công đoàn cấp trên cơ sở phải lập tức có sự can thiệp cần thiết, kể cả việc tổ chức đại hội bất thường bầu lại cán bộ công đoàn.

Ông Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, bởi lẽ công tác cán bộ được xem là gốc rễ quyết định sự thành bại của tổ chức - điều này đã được chứng minh qua thực tiễn. Các ý kiến tại hội thảo là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Điều lệ Công đoàn... hướng đến Đại hội Công đoàn lần thứ XIII.

Phạm Diệp

Chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động

Xác định công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với thời gian làm việc của cán bộ, đoàn viên, người lao động và xu thế truyền thông hiện đại.

Báo cáo chính trị Đại hội đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 phải đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới, trong đó cần tập trung vào đột phá đổi mới phương thức hoạt động gắn với địa bàn dân cư; đồng thời đề ra 10 chỉ tiêu cho nhiệm kỳ.
Xem thêm