--> -->
Dòng sự kiện:

Cuối năm, nhộn nhịp tuyển dụng lao động

19/12/2023 11:28

Chia sẻ
Thị trường lao động tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) những ngày cuối năm 2023 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng, mở rộng sản xuất. Từ đó nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Nhu cầu tuyển lao động tăng ở một số ngành nghề Khởi sắc thị trường lao động phía Nam Kết nối việc làm, học nghề cho hàng trăm người khuyết tật

Không còn lo lắng bị thất nghiệp dịp cuối năm, chị Lê Thị Hiền (38 tuổi, quê Nghệ An) vui vẻ cho biết, vừa tìm được việc làm tại một công ty thực phẩm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). “Công việc không nặng lắm và không yêu cầu kinh nghiệm với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Tìm được việc làm ổn định vào thời điểm này là điều may mắn, nhất là khi tôi cũng còn trẻ, lại có gia đình, con nhỏ”, chị Hiền chia sẻ.

Cuối năm, nhộn nhịp tuyển dụng lao động
Người lao động tìm việc tại ngày hội việc làm.

Cũng đang tìm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), anh Trần Văn Khởi (29 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết, những ngày cuối năm có nhiều công ty rao tuyển lao động, kể cả toàn thời gian hay bán thời gian. “Tôi có gần 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực may gia công nhưng do công ty không có đơn hàng nên cắt giảm lao động. Tôi mất việc từ năm ngoái, phải chạy xe ôm công nghệ nuôi vợ con. May mắn vào dịp cuối năm, tôi đã tìm được việc làm mới, có thu nhập trang trải, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán cận kề”, anh Khởi cho hay.

Thực tế của phóng viên báo Lao động Thủ đô cho thấy, những ngày gần đây tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM đã xuất hiện trở lại một số băng rôn tuyển dụng lao động phổ thông. Đơn cử như Công ty Cổ phần Bữa Ăn Trên Mây tuyển không giới hạn công nhân sơ chế thực phẩm từ 18 - 50 tuổi, nhân viên bếp từ 18 - 40 tuổi, lương từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. “Chỉ cần ứng viên có sức khỏe, siêng năng là được nhận việc. Công nhân được hỗ trợ cơm trưa, lương tháng 13 và nhiều phúc lợi theo quy định, được nhận chính thức sau một tháng thử việc…”, đại diện công ty cho biết.

Tương tự Công ty TNHH Wordon Việt Nam ở Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) tuyển dụng gần 8.000 công nhân, các vị trí tuyển mới gồm công nhân may, cắt, in, tổ trưởng với thu nhập mỗi tháng từ 7 - 10 triệu đồng, thưởng Tết và các khoản phụ cấp. Tất cả lao động còn trong độ tuổi đều có thể nộp đơn ứng tuyển.

Do mở rộng xưởng sản xuất, Công ty TNHH Đông Nam Việt Nam ở huyện Hóc Môn muốn tuyển mới hơn 500 công nhân. Các vị trí tuyển gồm thợ may, ủi, kiểm hàng... Đại diện bộ phận tuyển dụng cho hay, nhà máy nhận lao động đến 45 tuổi; tùy vào đơn giá sản phẩm, tay nghề, thu nhập của công nhân sẽ đạt từ 8-15 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra còn có các công ty như Công ty TNHH Đạt Việt (Khu chế xuất Tân Thuận) cần tuyển hơn 60 lao động cho các vị trí may, cắt, nhân viên kho; Công ty TNHH Furukawa Automotive tuyển 200 lao động; Công ty TNHH Sonion Việt Nam (Khu Công nghệ cao thành phố Thủ Đức) tuyển 500 lao động phổ thông; Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (huyện Hóc Môn) tuyển 100 lao động…

Là đơn vị thường xuyên tuyển dụng lao động phổ thông nhưng luôn gặp khó trong việc tuyển đủ số lượng, bà Lê Thị Kim Liên, bộ phận nhân sự của Công ty CP Thực phẩm Cholimex (huyện Bình Chánh) nhìn nhận, hiện các khu công nghiệp ở địa phương cũng nhiều nên người lao động chuộng xu hướng chọn làm việc gần nhà để đỡ tốn chi phí. Vì vậy lao động chuyển hướng về quê chiếm tỷ lệ khá cao.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 của Thành phố khoảng 81.000 đầu việc. Trong đó tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ (chiếm hơn 72%), khu vực công nghiệp - xây dựng (28%), còn lại là khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Trong khi đó, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM: Những tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ... nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm gần 13%.

“Sở sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt về nhu cầu tìm việc; phối hợp tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động; tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động, hỗ trợ lao động mất việc, thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống”, đại diện Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết thêm.

Minh Tuấn

Nghị quyết số 68: Mở rộng cánh cửa tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp SME

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận vốn, đất đai và cơ hội thị trường, Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như “cú hích” thể chế mạnh mẽ, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Những thay đổi không chỉ đến từ nhận thức chiến lược, mà còn thể hiện quyết tâm tháo gỡ thực chất các nút thắt kéo dài trong môi trường pháp lý và hạ tầng.

Cần một chính sách công bằng và phù hợp hơn cho khu vực kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng rõ nét trong bức tranh tăng trưởng của Việt Nam, không chỉ về tỷ trọng đóng góp, mà còn là động lực cải cách, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự “cất cánh”, điều kiện tiên quyết là phải có một chính sách đủ bao trùm, công bằng và đúng hướng - nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc thể chế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho 22 hộ gia đình có đất nằm trong dự án

Báo Lao động Thủ đô phản ánh khó khăn của 22 hộ gia đình từng là công nhân Nông trường Đông Anh II khi nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sai tại ngã ba Kim nhưng không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ngay sau khi báo đăng, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội cho biết đã có báo cáo đề xuất Thành phố chấp thuận chính sách hỗ trợ khác đối với các hộ dân, bao gồm, hỗ trợ về đất và hỗ trợ về tài sản (nhà, công trình xây dựng trên đất).

Tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành giáo dục huyện Mỹ Đức

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Mỹ Đức đã tổ chức tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2024 - 2025, đồng thời tuyên dương 42 tập thể và 25 cá nhân tiêu biểu trong khối giáo dục, khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành, chăm lo và động viên đội ngũ nhà giáo.
Xem thêm