--> -->
Dòng sự kiện:

Đại biểu đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng

09/05/2025 17:36

Chia sẻ
Đề nghị không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đề xuất của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 9/5.
Giá xăng dầu giảm đến hơn 600 đồng/lít từ 15h ngày 8/5 Giá xăng dầu hôm nay (9/5): Thế giới bật tăng, trong nước giảm

Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh đề nghị không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.

Theo đại biểu, xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục.

Đại biểu đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

“Trong trường hợp thấy cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng thì tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và không đưa mặt hàng này đánh thuế tiêu thụ đặc biệt”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam) phân tích, áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu dù đây là mặt hàng thiết yếu, gây gánh nặng chi phí cho Nhân dân và doanh nghiệp nên chưa thỏa đáng.

Đại biểu cho rằng, chính sách này cần hài hòa: Nhà nước giữ được nguồn thu từ thuế môi trường, tăng trưởng xanh, nhân dân được hưởng môi trường trong lành hơn và chi phí nhiên liệu ổn định nhờ công nghệ mới, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải công nghệ và năng lượng, có động lực đầu tư, đổi mới sáng tạo để dẫn dắt thị trường năng lượng sạch.

Đại biểu đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam). Ảnh: Quốc hội

“Tôi đề nghị bỏ xăng dầu khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa Điều 2 chỉ thu thuế môi trường và khuyến khích năng lượng sạch thay thế. Điều này giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước vẫn đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ xăng dầu, thúc đẩy năng lượng sạch, hài hòa lợi ích các bên”, lời đại biểu Trần Văn Khải.

Gánh nặng thuế đè nặng lên nhóm yếu thế...

Cùng quan tâm đến chính sách thuế với xăng, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cũng cho rằng, một số đối tượng chịu thuế như xăng là chưa phù hợp với thực tế, cần được nghiên cứu, đánh giá để quy định một cách thận trọng hơn.

Bởi vì, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, gây hại cho sức khỏe và môi trường, nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng trong xã hội, chứ không phải đánh vào các mặt hàng mang tính phổ thông đại chúng.

Đại biểu đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An). Ảnh: Quốc hội

“Chính sách thuế này cần hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là điều tiết các hành vi sản xuất, tiêu dùng gây tác hại đến sức khỏe và môi trường, đảm bảo tính công bằng cho tất cả các chủ thể trước pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tránh việc biến một chính sách thuế trở thành rào cản tiếp cận đời sống tối thiểu của người dân, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”, nữ đại biểu nói.

Trong khi đó, mặt hàng xăng không phải là hàng xa xỉ mà là nhiên liệu thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất và lưu thông hàng hóa, như người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện sử dụng xăng cho việc đi làm, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa...

“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng theo tôi là chưa hợp lý. Ngoài ra, khi giá xăng tăng do bị đánh thuế, chi phí vận chuyển, logistic, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng sẽ tăng theo, tạo nên hiệu ứng dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế, người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ phải gánh chịu về giá khi chi phí cho thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng mà thu nhập chưa tăng tương ứng.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng có thể đi ngược lại với nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế. Hiện nay, giá xăng tại Việt Nam đã bao gồm nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường. Việc tiếp tục áp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế và gánh nặng thuế sẽ đè nặng lên nhóm yếu thế, đi ngược lại với nguyên tắc công bằng thuế”, đại biểu Lê Thị Song An nói.

Đại biểu đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) lại đồng tình quan điểm nên đánh thuế đối với xăng, nhưng cần xem xét nên đánh vào loại thuế nào và cho hay, xăng là mặt hàng duy nhất phải chịu cả 2 loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Theo đại biểu, hai loại thuế này rất giống nhau về bản chất, đều chỉ đánh vào một mặt hàng hạn chế tiêu dùng, đều có mục tiêu điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng khác nhau ở mục đích. Như vậy, nếu mục tiêu thu thuế là nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường, thì cần quy về thuế bảo vệ môi trường. “Tôi đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và chuyển toàn bộ sang thuế bảo vệ môi trường”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đánh thuế với xăng đã áp dụng từ năm 1998.

“Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COOP 26 là chúng ta phải giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam. Hiện nay, các nước châu Âu triển khai rất quyết liệt, rất nhiều biện pháp, còn chúng ta do điều kiện kinh tế khó khăn nên cũng đưa ra các chương trình hành động, đang triển khai, nhưng quả thật cần phải nỗ lực, cố gắng.

Vậy, với cam kết về môi trường như thế này thì đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, với những phương tiện hiện nay trong lĩnh vực giao thông mà khuyến khích không đánh thuế xăng thì rất khó khăn trong vấn đề thay đổi hành vi", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Phương Thảo

Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để đơn vị hành chính cấp xã mới hoạt động ổn định

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đoàn kết, thống nhất; không để thất thoát tài sản của Nhà nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, bình thường, không làm ảnh hưởng đến giao dịch hành chính đối với các tổ chức và công dân trên địa bàn.

Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Đồng hành kiến tạo môi trường làm việc gắn kết, yêu thương

Với phương châm “Lấy người lao động làm trung tâm”, thời gian qua, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã khẳng định vai trò là tổ chức đại diện, đồng hành và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hơn 2.000 đoàn viên, người lao động. Cùng đó, các chương trình hành động thiết thực, sáng tạo và nhân văn của Công đoàn đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc tích cực, gắn kết và chuyên nghiệp tại bệnh viện.

Trao đổi kinh nghiệm giữa Công đoàn Cơ quan LĐLĐ các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Huế

Trong 2 ngày 8 - 9/5, Đoàn công tác của Công đoàn Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã có các buổi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Cơ quan LĐLĐ thành phố Huế.

Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên: Quận Tây Hồ đề xuất phương án hỗ trợ với đất nông nghiệp tự chuyển đổi

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ vừa có kiến nghị tới UBND thành phố Hà Nội về chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp đã được các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi mục đích làm nhà ở, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Theo đề xuất, các cá nhân, hộ gia đình ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp nằm trong quy định còn được hỗ trợ về đất.

Đoàn viên huyện Hoài Đức hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ năm 2025

Ngày 9/5, UBND và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hoài Đức đã tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”; Tháng Công nhân với chủ đề: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới’’.
Xem thêm