--> -->
Dòng sự kiện:

Đại biểu đề xuất phân cấp cho Tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự

19/05/2025 15:06

Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, ngày 19/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Giữ quyền chất vấn để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát ở địa phương Đề xuất cân nhắc sửa tuổi bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), cho rằng đây là việc làm kịp thời, thể chế cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đại biểu bày tỏ tán thành việc lập và xét xử của Toà án khu vực để giải quyết các vụ dân sự, hành chính theo thủ tục sơ thẩm; xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm có hình phạt đến 20 năm tù… Theo đại biểu, đây là chủ trương Bộ Chính trị đã triển khai từ Nghị quyết 49, “đến thời điểm này làm là rất cần thiết, phù hợp”.

Theo đề án của TAND tối cao, dự kiến sắp xếp 355 Tòa án khu vực/693 Tòa án cấp huyện hiện nay. Việc này không chỉ tinh giản về cơ học, số lượng mà còn nâng cao chất lượng, đảm bảo tập trung nguồn Thẩm phán để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đại biểu đề xuất phân cấp cho Tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Quốc hội

TAND tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự có hình phạt trên 20 năm tù, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác. Theo đại biểu, quy định này Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến rất kỹ tại các Kỳ họp 6, 7.

Quy định này đảm bảo nguyên tắc 2 cấp xét xử; tạo điều kiện cho người dân khi giải quyết các tranh chấp ở cơ sở, khắc phục tình trạng khó khăn khi sắp xếp bộ máy Tòa án cấp huyện… Việc này vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa giải quyết được các khó khăn trong tổ chức biên chế, bộ máy Tòa án các cấp.

Về thành lập các Tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa Phá sản và Tòa sở hữu trí tuệ, theo đại biểu, những quy định này đã có trong Luật Tổ chức TAND năm 2024 “quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế”.

Đại biểu Thu nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư. Việc thành lập các Tòa án này rất cần thiết để giải quyết các tranh chấp bằng đội ngũ Thẩm phán có chuyên môn sâu.

Để đảm bảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi triển khai hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu đề nghị TAND Tối cao tiếp tục tổng kết thực tiễn liên quan đến giám đốc thẩm, tái thẩm tại các luật; quy định theo hướng chặt chẽ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để tránh tình trạng giải quyết một vụ việc không có điểm dừng.

Đại biểu đề xuất phân cấp cho Tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) quan tâm đến việc tổ chức TAND với 3 cấp gồm: TAND Tối cao, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp khu vực. Về vấn đề phân định thẩm quyền, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc phân cấp, phân quyền. Bởi hiện nay, việc phân cấp, phân quyền được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đại biểu, dự thảo Luật lần này phân cấp, phân quyền rất mạnh cho Tòa án khu vực liên quan đến các vụ án về hành chính, kinh tế, dân sự, hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, còn nội dung liên quan đến các vụ án hình sự lại chưa phân cấp triệt để cho khu vực, mà vẫn giao cho Tòa án cấp tỉnh đối với mức án từ 2 năm tù trở lên.

“Nếu chúng ta muốn cải cách bộ máy triệt để, phải phân cấp mạnh cho Tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự. Khi đó, TAND cấp tỉnh chỉ xét xử phúc thẩm nhằm vừa cải cách triệt để vừa gần dân, sát dân hơn. Cùng với đó, chúng ta không cần tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên 27 người mà giữ mức như hiện nay” đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến 13 đạo luật khác nhưng tên gọi hiện tại chưa phản ánh đầy đủ, chính xác phạm vi sửa đổi. Vì thế, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tên gọi của dự thảo luật nhằm bảo đảm tính chính xác, toàn diện, phản ánh đầy đủ phạm vi sửa đổi của luật.

Đại biểu đề xuất phân cấp cho Tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quốc hội

Về tổ chức Tòa án phá sản, Tòa sở hữu trí tuệ tại các khu vực, dự thảo Luật quy định cơ cấu lại các tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án khu vực. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc thành lập 2 tòa này tại tòa án khu vực, vì thực tế số lượng vụ án thuộc 2 lĩnh vực này trong một năm không lớn.

“Thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố không phát sinh loại án này trong cả năm. Do đó, nếu thành lập tòa án chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ là không hợp lý. Điều này kéo theo việc bổ nhiệm thêm các chức danh lãnh đạo, biên chế trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này còn thấp. Vì thế, chúng ta có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa kinh tế, dân sự để giải quyết các vụ việc này phù hợp với thực tiễn”, đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị.

Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, sẽ tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội (sửa đổi Điều 48 Luật hiện hành).

Về mô hình tổ chức TAND, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực...

Phương Thảo

Cao điểm truy quét hàng giả, hàng lậu trên phạm vi toàn quốc

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17/5/2025 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới trên phạm vi toàn quốc.

Bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, trong đó có Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên.

Quận Hoàn Kiếm khen thưởng 25 tập thể, 14 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác

Sáng 19/5, Quận ủy Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổng kết Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V năm 2025.
Xem thêm