
Đại biểu Quốc hội: Cẩn trọng với các quy định về thủ tục tố tụng vắng mặt
27/05/2025 20:19
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, chiều 27/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, đa số các ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
![]() |
Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH) |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng như các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) nhất trí bổ sung các nội dung liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo không còn ở Việt Nam. Đây là những nội dung bổ sung cần thiết để thực hiện quy trình tố tụng. Dự thảo cũng có các quy định để đảm bảo quyền bào chữa, tự bào chữa cho người bị xét xử vắng mặt.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ việc bổ sung các quy định cho phép cơ quan điều tra, kết luận điều tra, tuy nhiên đề nghị, truy tố và Viện Kiểm sát nhân dân quyết định truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài mà không thể triệu tập. Đây là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
![]() |
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH) |
Các ĐBQH cho rằng, do tính chất đặc biệt của thủ tục tố tụng vắng mặt, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bào chữa và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội, nên các quy định này cần được thiết kế với sự cẩn trọng tối đa.
Để quyền bào chữa được thực thi một cách thực chất, các ĐBQH đề nghị dự thảo luật cần quy định việc chỉ định người bào chữa là bắt buộc trong mọi trường hợp tiến hành tố tụng vắng mặt. Người bào chữa phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận hồ sơ vụ án từ sớm, tham gia các hoạt động tố tụng cần thiết và có đủ thời gian, nguồn lực để chuẩn bị và thực hiện việc bào chữa.
Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên được bố trí là Trưởng Công an hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã, đa số ĐBQH đồng tình với quy định này. Bởi theo luật hiện hành, công an cấp huyện sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra viên, công an cấp xã chỉ thực hiện bảo vệ hiện trường. Sau khi thực hiện sắp xếp không tổ chức công an cấp huyện, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giao công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra viên là cần thiết.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH) |
Nêu một số khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, trong đó khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải mang hồ sơ lên tỉnh trình ký duyệt sau đó mới chuyển qua viện kiểm sát phê chuẩn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề xuất nghiên cứu hình thành cơ quan điều tra các khu vực, có sự tương đồng với hoạt động cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tòa án và viện kiểm sát.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của trưởng công an, phó trưởng công an cấp xã sao cho phù hợp với năng lực của công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã. Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết; đồng thời đề nghị cân nhắc lộ trình triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn, trước khi áp dụng rộng rãi.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu thảo luận. (Ảnh: QH) |
Tán thành với phương án mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực bởi điều này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, giúp giảm tải cho cơ quan tố tụng cấp trên và có thể nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp của hệ thống. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền này đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực của đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác tại Tòa án cấp khu vực. Do đó cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn bổ nhiệm, đi kèm với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đặc biệt là về kỹ năng xét xử các vụ án phức tạp, có tính chất nghiêm trọng.
Ngoài ra, điểm c khoản 2 Điều 268 dự thảo quy định về việc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có thể lấy lên xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của cấp khu vực nhưng “có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành” cần được lượng hóa hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn từ Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sự rõ ràng này sẽ đảm bảo tính minh bạch, tránh sự thiếu thống nhất hoặc tùy nghi trong quá trình áp dụng, góp phần củng cố niềm tin vào sự công bằng của hoạt động xét xử.
Đáng chú ý, đối với thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, các ý kiến cũng tán thành việc dự thảo Luật bổ sung thời hạn 1 năm để Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm sau khi nhận được báo cáo. Đây là một cải cách quan trọng, thể hiện sự thận trọng và tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với hình phạt nghiêm khắc nhất.
Để quy định này thực sự phát huy hiệu quả, các ĐBQH đề nghị làm rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm và cơ chế phối hợp cụ thể, cũng như các mốc thời gian trong quy trình này giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Văn phòng Chủ tịch nước. Một quy trình minh bạch, chặt chẽ sẽ đảm bảo việc thẩm định hồ sơ được khách quan, toàn diện và kịp thời.

Chính sách tiền lương với chuyên gia cao cấp có hiệu lực từ ngày 15/6

ASEAN All-Stars đánh bại Man Utd với chiến thắng lịch sử 1-0

Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm, khảo sát làng nghề thủ công truyền thống tại Ai Cập

Hà Nội: Cửa hàng phố cổ công khai kinh doanh hàng nghìn chai nước hoa giả

Trọng Lân - Anh Đào tái hợp trong "Cầu vồng ở phía chân trời"

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xóa bỏ độc quyền Nhà nước về vàng miếng

Cần đảm bảo các chế độ đặc thù cho ngành Y tế Thủ đô

Cơ quan Nhà nước phải tiên phong trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Sửa Luật Quy hoạch: Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm

Cần thiết hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý

Báo chí Hà Nội tích cực hưởng ứng Cuộc thi và Triển lãm ảnh "Tổ quốc bên bờ sóng"

Đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ án tử hình với tội sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

Hơn 17,1 triệu người dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp trên VNeID

Đại biểu đề nghị phân quyền ngân sách theo mức độ tự chủ tài khóa

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất sắp xếp cấp xã trước 15/7, cấp tỉnh trước 15/8

Tuyên truyền về sửa đổi Hiến pháp 2013: Bài bản, rộng khắp, đa dạng

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương an nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà
Tin đọc nhiều

ASEAN All-Stars vs Manchester United: Hơn cả một trận cầu lịch sử

Giá vàng hôm nay (27/5): Đồng loạt sụt giảm

Giá xăng dầu trong nước ngày 29/5 có thể tăng khoảng 350 đồng/lít?

Tỷ giá USD hôm nay (27/5): Giá USD trong nước và thế giới cùng giảm
