--> -->
Dòng sự kiện:

Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế

24/05/2025 10:49

Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Quốc hội quyết định bổ sung hơn 4.300 tỷ đồng ngân sách chi thường xuyên từ nguồn viện trợ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, hoạt động dẫn độ được quy định tại một số chương của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Tuy nhiên, qua hơn 16 năm triển khai thực hiện, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 4 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ; quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Quốc hội

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, dự thảo Luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.

Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Chính phủ hướng dẫn chi tiết Điều này.

Về thông báo liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra một trong các thông báo sau đây:

Thông báo không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc không bị thi hành hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước.

Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này...

Qua thẩm tra dự án Luật Dẫn độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng Luật và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Đồng thời, Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và một số dự án luật khác đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để kịp thời cập nhật, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ (Điều 5), Ủy ban tán thành việc quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc này trong dẫn độ; trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến Bộ Ngoại giao trong các trường hợp áp dụng nguyên tắc có đi có lại (không chỉ trường hợp cần thiết) để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.

Về dẫn độ có điều kiện, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này vì phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi những loại điều kiện mà Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ để tránh tùy nghi trong quá trình thực hiện...

Phương Thảo

Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…; Ngoài ra, Nghị quyết còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Tiến độ thi hành án đối với vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2

Tiến độ công tác thi hành án đến nay như thế nào, nhất là số tiền và tài sản mà cơ quan thi hành án đã thi hành được bao nhiêu để thu hồi cho nhà nước cũng như hoàn trả cho các bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2) đang là nội dung được dư luận đặc biệt qua tâm, sau khi bản án phúc thẩm tuyên ngày 25/3/2025 có hiệu lực.
Xem thêm