--> -->
Dòng sự kiện:

Nhà ở xã hội vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động

24/05/2025 17:32

Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội ngày 24/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đã chia sẻ những gửi gắm của người lao động đến Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội với các gia đình đông con 4 tháng đầu năm 2025 có 15.614 căn hộ nhà ở xã hội được hoàn thành

Đại biểu nêu rõ: “Hàng triệu người lao động đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn trên cả nước, với những suy nghĩ rất đơn giản, sống làm việc, có gia đình và có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.

Dù chỉ đơn giản như thế nhưng là cả một ước mơ của chúng tôi, bởi một thực tế, đó là tiền lương thì không tăng nhưng giá nhà và giá tiêu dùng thì cứ tăng liên tục, nên dù chỉ là một mong muốn bình thường nhưng vẫn chỉ là mơ ước.

Dù Luật Nhà ở đã ban hành, dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, chúng tôi phải lo toan đủ mọi khó khăn, khoản tiền ăn, tiền học cho con, viện phí điện nước, tiền thuê nhà... nên việc được tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với.

Giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội thì vẫn vượt quá xa khả năng người lao động cùng với tiêu chí, quy trình, quy định thủ tục được xét duyệt đưa ra không phải dành cho những người có mức thu nhập như chúng tôi. Nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật.

Nhà ở xã hội vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quốc hội

Nghị quyết thí điểm lần này nếu được xây dựng thực chất khả thi chính là niềm hy vọng lớn nhất mà người lao động thu nhập thấp như chúng tôi đang trông chờ.

Chúng tôi không cần một căn hộ cao cấp, một căn nhà đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có được một nơi ở tươm tất để nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau những giờ làm việc cực nhọc với giá cả hợp lý để thuê, để thuê mua hoặc sở hữu trong khả năng của mình.

Chúng tôi tha thiết kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ thật sự thiết thực như được trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động, đồng thời cần bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ, xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.

Một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư mà còn giúp đất nước phát triển bền vững. Vì chỉ khi người lao động có chốn đi về ổn định, họ mới có thể an tâm lao động, tái tạo sức lao động, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Đừng để những khu nhà ở xã hội phải bị bỏ hoang, xuống cấp với sự tiếc rẻ và khát khao của bao người lao động; xin đừng để giấc mơ có nhà của người lao động mãi mãi là giấc mơ không thành”.

Nữ đại biểu cho hay, đó là những lời chia sẻ, gửi gắm của cử tri là những người lao động thu nhập thấp nhờ bà gửi đến các đại biểu Quốc hội để cùng suy ngẫm, cảm thông và chia sẻ.

Góp ý vào nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đồng tình cao với việc cần thiết thành lập Quỹ nhà ở quốc gia tại trung ương và địa phương, đồng thời mở rộng nguồn thu từ ngân sách và xã hội hóa, đây là cơ sở tài chính quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh lo chỗ ở cho hàng triệu người lao động có thu nhập thấp.

Dự thảo đã có bước tiến tích cực khi quy định quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hợp pháp khác, đặc biệt là khoản trích tối thiểu 50% từ số tiền, tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội cùng với nguồn thu từ bán nhà thuộc tài sản công.

Nhà ở xã hội vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động
Với nhiều người lao động thu nhập thấp, mua được nhà ở xã hội vẫn là điều rất khó khăn...

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này vẫn còn thiếu một số yếu tố then chốt cần làm rõ và hoàn thiện.

Thứ nhất, chưa xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu phân bổ từ chi đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách nhà nước cả ở trung ương và địa phương để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia.

Việc này dẫn đến nguy cơ nguồn quỹ không ổn định, phụ thuộc vào các khoản thu không cố định như tiền bán tài sản công hoặc đóng góp tự nguyện. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội là nhu cầu cấp thiết, lâu dài và liên tục của hàng triệu người lao động có thu nhập thấp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định ngân sách nhà nước hằng năm, bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phải bố trí tối thiểu 1% đến 2% tổng chi đầu tư phát triển để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia.

Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm đóng góp cụ thể giữa trung ương và địa phương theo tỷ lệ dân số lao động, tình trạng nhà ở xã hội hiện có và nhu cầu thực tế trên địa bàn. Việc này sẽ tạo sự công bằng, minh bạch và bảo đảm hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực.

Thứ hai, theo đại biểu, quy định hiện hành chưa phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau ở các khu đô thị lớn, nơi tập trung đông khu công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với hàng trăm nghìn công nhân đang sống trong nhà trọ chật hẹp, tạm bợ.

Đại biểu cho rằng, cần xem xét bổ sung quy định về phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao, trung bình, thấp theo mật độ dân số tại từng địa phương để từ đó có cơ chế phân bổ nguồn lực quỹ phù hợp, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả.

Thứ ba, cần xem xét bổ sung quy định về khung giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo từng khu vực, nếu không quy định, người lao động có thể tiếp tục rơi vào cảnh nhà ở xã hội không thể chạm tới được vì giá vẫn vượt xa thu nhập và giá nhà ở xã hội phải tương xứng với đồng lương của người lao động cả khi mua hoặc thuê...

Phương Thảo

Hà Nội chỉ đạo nâng cao công tác tiếp dân

Để phục vụ tốt cho các sự kiện chính trị quan trọng của Thành phố và đất nước, từ năm 2024 đến nay, Thành ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ đạo, nâng cao công tác tiếp công dân, siết chặt trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị có nhiệm vụ tiếp công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp.

Biến chứng sau can thiệp thẩm mỹ: Cần lắm một hồi chuông cảnh tỉnh

Nhu cầu làm đẹp không ngừng gia tăng trong xã hội hiện đại, kéo theo sự bùng nổ của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo “làm đẹp không đau, nhanh gọn, giá rẻ” trên mạng xã hội là vô số cạm bẫy, đẩy nhiều chị em vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí biến dạng vĩnh viễn hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Hà Nội đón gần 13 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm

Trong 5 tháng đầu năm nay, Thủ đô Hà Nội đã đón khoảng 12,77 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 3,16 triệu lượt, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 20,2%, khẳng định sức hút ngày càng mạnh mẽ của Thủ đô trên bản đồ du lịch quốc tế.

Quyết liệt xử lý các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản

Chiều 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc để giảm chi phí, giảm giá bất động sản và tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận bất động sản của người dân, mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở.

Tiếp tục đàm phán, sớm đạt thỏa thuận về thuế quan với Hoa Kỳ

Vòng đàm phán lần thứ 2 Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức từ ngày 19-22/5/2025 tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, sau vòng đàm phán lần thứ 2, đoàn đàm phán tiếp tục nỗ lực, cố gắng để sớm đạt thỏa thuận với phía Hoa Kỳ.
Xem thêm