--> -->
Dòng sự kiện:

Bộ trưởng Bộ Công an: Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người

24/05/2025 17:40

Chia sẻ
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân Làm rõ việc lộ, lọt thông tin dữ liệu cá nhân và ngăn chặn kịp thời

Quy định ngay một số loại cơ bản về dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong luật

Ngày 24/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự án Luật được xây dựng với nhiều quy định mới, nhằm tăng cường bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại số.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đồng tình rất cao với việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho rằng đây là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền cá nhân cũng như yêu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phân loại dữ liệu cá nhân thành dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm là hết sức cần thiết vì dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Công an: Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An). Ảnh: Quốc hội

“Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp hiện nay thì dự thảo Luật đang giao Chính phủ liệt kê cả hai danh mục về hai loại dữ liệu này, chúng tôi cho rằng đây là một điều bất cập vì sẽ có tình huống có thể phát sinh những loại thông tin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí được quy định tại khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật nhưng không thuộc 1 trong 2 danh mục sẽ không được xem là dữ liệu cá nhân.

Vì vậy, tôi đề nghị chỉ nên quy định danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm, những dữ liệu còn lại đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 2 đương nhiên được xem là dữ liệu cá nhân cơ bản mà không phải lập thành danh mục. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm tính khoa học, vừa bảo đảm tính bao quát, dễ áp dụng”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của nhiều nước, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là những nội dung quan trọng liên quan đến quyền của cá nhân nên luật của các nước thường quy định một số dữ liệu cá nhân nhạy cảm ngay trong luật, ví dụ theo luật của Nhật Bản có những dữ liệu như trạng thái xã hội, hồ sơ bệnh án, hồ sơ phạm tội... Luật của Trung Quốc liệt kê các dữ liệu nhạy cảm như dữ liệu sinh trắc học, tín ngưỡng tôn giáo, dữ liệu y tế, sức khỏe, tài chính hoặc dữ liệu theo dõi vị trí...

Vì vậy, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị quy định ngay một số loại cơ bản về dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong luật, còn những thông tin khác có thể giao Chính phủ quy định bổ sung thêm, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ Công an: Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Cần có cơ chế giám sát độc lập và ý thức cộng đồng

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về phạm vi áp dụng, dự thảo Luật áp dụng đối với những hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

“Có rất nhiều hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân diễn ra ngoài Việt Nam và xâm hại đến lợi ích của quốc gia cũng như của nhà nước và của công dân Việt Nam, chúng ta làm thế nào?

Tôi đề nghị trong phạm vi áp dụng, chúng ta quy định thêm là xử lý những hành vi xử lý dữ liệu cá nhân, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước và công dân Việt Nam diễn ra ngoài Việt Nam thì xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo cơ chế hợp tác quốc tế”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhìn nhận, để bảo vệ dữ liệu cá nhân cần có cơ chế giám sát độc lập và ý thức cộng đồng. Dự thảo Luật đã thiết kế ở Điều 20 quy định về cơ chế giám sát khi xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu với các nội dung xác thực và khả thi.

“Tôi đề nghị là nên bổ sung thêm các vấn đề như thiết lập đường dây nóng hoặc cổng tiếp nhận phản ánh về hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân và tạo điều kiện cơ chế cho người dân phát hiện các dấu hiệu vi phạm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân”, đại biểu nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc liệt kê các quyền của chủ thể dữ liệu trong dự thảo Luật chưa đảm bảo đầy đủ các quyền của chủ thể dữ liệu, ví dụ chủ thế dữ liệu có quyền lưu trữ, quyền thừa kế, quyền sử dụng, quyền tiêu hủy hay không? Do đó, cần thiết kế lại điều này đảm bảo khái quát các quyền của chủ thể dữ liệu theo quy định của pháp luật...

Bộ trưởng Bộ Công an: Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ mục tiêu của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang diễn ra nhức nhối trong thực tiễn và đồng thời cũng phải mang tính dự báo bao quát để quy phạm các vấn đề mới nổi liên quan đến công nghệ đột phá của kỷ nguyên số để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất.

Theo Bộ trưởng, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay còn hạn chế, tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chưa được hiểu đầy đủ, tạo ra những vùng xám trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân với đặc tính là gắn liền với con người, gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư không thể coi là hàng hóa tài sản thông thường mà đây là một loại tài nguyên đặc biệt.

Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất, cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác, quan điểm này phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đó là giới hạn ranh giới giữa sử dụng và định đoạt, ưu tiên phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ, thiết lập các quy định, cơ chế quản lý việc sử dụng và khai thác dữ liệu cá nhân không vi phạm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thực tế, hiện nay các vụ lừa đảo về chiếm đoạt tài sản với tài sản quy mô lớn mà thời gian vừa qua đã triệt phá thì yếu tố lộ lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

“Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều những phương thức, thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Phương Thảo

Hà Nội chỉ đạo nâng cao công tác tiếp dân

Để phục vụ tốt cho các sự kiện chính trị quan trọng của Thành phố và đất nước, từ năm 2024 đến nay, Thành ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ đạo, nâng cao công tác tiếp công dân, siết chặt trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị có nhiệm vụ tiếp công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp.

Biến chứng sau can thiệp thẩm mỹ: Cần lắm một hồi chuông cảnh tỉnh

Nhu cầu làm đẹp không ngừng gia tăng trong xã hội hiện đại, kéo theo sự bùng nổ của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo “làm đẹp không đau, nhanh gọn, giá rẻ” trên mạng xã hội là vô số cạm bẫy, đẩy nhiều chị em vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí biến dạng vĩnh viễn hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Hà Nội đón gần 13 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm

Trong 5 tháng đầu năm nay, Thủ đô Hà Nội đã đón khoảng 12,77 triệu lượt khách du lịch, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 3,16 triệu lượt, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 20,2%, khẳng định sức hút ngày càng mạnh mẽ của Thủ đô trên bản đồ du lịch quốc tế.
Xem thêm