--> -->
Dòng sự kiện:

Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”

21/11/2024 07:17

Chia sẻ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Bổ sung cơ chế đặc thù cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam Đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao: Hiện nay là thời điểm thích hợp!

Cơ hội song hành cùng thách thức

Chia sẻ quan điểm dự án đường sắt tốc độ cao, tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt”, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, khối lượng xây lắp chiếm đến hơn 33 tỷ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy. Cho nên, đây có thể là cơ hội "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu xây dựng.

Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Ảnh minh họa.

Theo đại diện Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng… thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định, với năng lực, trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm hiện tại là nguồn nhân lực lao động.

Khi triển khai, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có nhu cầu nhân lực là vô cùng lớn. Theo tính toán, sẽ cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt thông tin, với một dự án lớn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất phương án lựa chọn các tư vấn mạnh để tư vấn cho chủ đầu tư, bao gồm tất cả các bước. Quan điểm Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là bước nào làm được sẽ tự làm, bước nào khó không làm được sẽ thuê tư vấn.

Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu, hiện nay, trong các chính sách đặc thù chưa đề cập đến. Trong bước nghiên cứu khả thi, sẽ thực hiện phương án phân chia hợp phần và gói thầu; lúc đó vướng mắc ở đâu thì cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế, giải pháp để tháo gỡ. Điều kiện tiên quyết là đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đủ điều kiện để cơ quan liên quan lựa chọn có cơ sở để lựa chọn, các doanh nghiệp tham gia có cơ sở để tham gia.

Về quy định liên quan đến công tác đấu thầu, đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho biết, sẽ bám theo các quy định hiện hành, trong trường hợp nếu có các cơ chế, chính sách đặc thù khác cũng sẽ có chỉnh sửa. Về tiêu chuẩn, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam hệ thống hóa tiêu chuẩn lĩnh vực đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Điểm đáng chú ý ở vấn đề này là hiện có một số quốc gia tự xây dựng tiêu chuẩn trên hệ thống tiêu chuẩn gốc hoặc tự nghiên cứu, cũng có quốc gia sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

Cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao, nhiều doanh nghiệp cho rằng, với cơ quan quản lý Nhà nước thì cần sớm có hành lang pháp lý dành riêng cho việc thực hiện đại dự án này. Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công. Bởi vì khi quyết định công nghệ, tiêu chuẩn sẽ ra định mức, đơn giá. Tránh trường hợp khi thực hiện yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng tiêu chuẩn nào thì lại chưa xây dựng, chưa có. Ngoài ra, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật không thể ngày một ngày hai là có ngay mà cần có sự vào cuộc của không chỉ cơ quan quản lý, các trung tâm đào tạo, các nhà khoa học và thậm chí cả ý kiến của các nhà thầu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km, riêng tổng vốn xây lắp khoảng 33,5 tỷ USD. Với số vốn đầu tư và quy mô lớn, dự án dự kiến đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường. Đáng nói, dù mở ra nhiều cơ hội song với đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, nếu doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong nước không tự làm mới thì vẫn có khả năng thua ngay trên chính sân nhà.

Bên cạnh những mong muốn, đề xuất, kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cơ chế chính sách là rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ, trơn tru nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù. Do vậy, phải có các cơ chế linh hoạt. Trong quá trình triển khai, phát sinh vấn đề, nếu áp dụng quy trình tuần tự thì không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề.

Ngoài ra, ở dự án đường sắt tốc độ cao điều mong mỏi nhất là doanh nghiệp không chỉ tham gia xây dựng đường sắt, mà doanh nghiệp còn từng bước phải làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt. Quan trọng nhất là phải có chiến lược triển khai việc này, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước.

Rõ ràng, nhìn từ dự án đường sắt tốc độ cao có thể thấy cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt đang đan xen nhau. Nhìn nhận ở góc độ tích cực, đại dự án này khi đi vào triển khai, nếu thành công thì sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt khẳng định tên tuổi, là chất xúc tác để “lột xác” vươn mình phát triển cả về quy mô lẫn kinh nghiệm. Đặc biệt là doanh nghiệp sẽ phát triển được ở ngành công nghiệp nhiều tiềm năng như đường sắt.

Đinh Luyện

Tiến độ thi hành án đối với vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2

Tiến độ công tác thi hành án đến nay như thế nào, nhất là số tiền và tài sản mà cơ quan thi hành án đã thi hành được bao nhiêu để thu hồi cho nhà nước cũng như hoàn trả cho các bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2) đang là nội dung được dư luận đặc biệt qua tâm, sau khi bản án phúc thẩm tuyên ngày 25/3/2025 có hiệu lực.

Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, việc xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Người dân được đảm bảo an toàn thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến

Việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến trên dịch vụ công của Hà Nội hoặc dịch vụ công quốc gia, người dân đều nhập bằng thông tin VNeID, do đó người dân cần chú ý không cung cấp thông tin cho những trang web không chính thống, web lạ, không đáng tin cậy để tránh bị lừa đảo, giả mạo...
Xem thêm