--> -->
Dòng sự kiện:

Thị trường lao động cuối năm: Sôi động tuyển dụng việc làm thời vụ

23/12/2022 09:08

Chia sẻ
Tại hầu hết các thành phố lớn, nhu cầu tuyển lao động làm làm việc bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp lễ, Tết đều tăng cao và thị trường tuyển dụng ngày càng sôi động.
Thị trường lao động Việt Nam trước thách thức lãi suất cao kéo dài Thị trường lao động cuối năm: Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ nhân sự
Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh minh hoạ; TTXVN)
Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Năm nay do ảnh hưởng bởi "làn sóng" cắt giảm lao động, việc làm nên số lượng tuyển dụng lao động của doanh nghiệp dịp cuối năm của ngành sản xuất không lớn như mọi năm. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các nhóm ngành dịch vụ, thương mại và du lịch vẫn khá sôi động, đặc biệt là lao động thời vụ.

Nhu cầu lao động thời vụ Tết vẫn cao

Mặc dù tuyển dụng lao động trong ngành sản xuất đã giảm mạnh so với mọi năm nhưng nhìn chung tại các thành phố lớn nhu cầu tuyển lao động dịp cuối năm, cận Tết vẫn khá sôi động. Trong tháng 12 và cận Tết, thành phố Hồ Chí Minh cần 25.000 lao động, trong đó, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 68%. Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng gần 28.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Bình Dương là khoảng 9.000 lao động.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh lên tới khoảng 17.000 người; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tuyển dụng gần 8.000 người và tuyển dụng ít nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản...

Cùng với việc tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhu cầu tuyển nhiều lao động chưa qua đào tạo làm việc bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp lễ, Tết.

Tại Hà Nội, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng cuối năm tại Hà Nội tăng cao. Hiện nay có khoảng 3.575 doanh nghiệp đang có nhu cầu với 27.891 lao động; trong đó, riêng lao động phổ thông 1.066 người. Tính theo ngành nghề, có 800 vị trí tuyển dụng trong ngành dệt may, da giày; điện tử cần hơn 300 lao động; chế biến thủy sản 79 lao động; sản xuất gỗ, khai thác 506 lao động… Ngoài ra, nhiều ngành nghề dịch vụ, khách sạn, ăn uống… có nhu cầu tuyển dụng cuối năm cũng rất cao.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ đang rất sôi động. Điểm "nóng" của tuyển dụng năm nay nằm ở nhóm công việc giao hàng, đóng gói, kho bãi…, tiếp đến là ngành nghề nhà hàng-khách sạn và cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Cùng với nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mức lương trung bình của lao động thời vụ năm nay tăng từ 300.000-400.000 đồng/tháng so với năm ngoái. Cụ thể, mức lương trung bình với công việc giao hàng là khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, bảo vệ 8-9 triệu đồng/tháng, nhân viên phục vụ nhà hàng-khách sạn 7-8 triệu đồng/tháng, nhân viên bán hàng-chăm sóc khách hàng khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ông Vũ Quang Thành cho rằng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, việc làm thì nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao rất phù hợp để những người lao động này kiếm việc làm có thu nhập chuẩn bị cho Tết và cũng là đóng góp vào thị trường lao động đang thiếu nhiều nhân lực.

Các địa phương tập trung đông công nhân lao động như Bình Dương, Đồng Nai... trong thời gian này cũng đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm. Đại diện Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Bình Dương cho biết trong 6 tháng qua tỉnh đã kết nối việc làm cho 20.000 lao động, sắp tới để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động tại địa phương, địa phương này sẽ cho ra đời app kết nối cung cầu việc làm.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, tăng cường nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để kết nối cung cầu, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; thực hiện hiệu quả các chế độ hỗ trợ người lao động từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đưa người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Thi truong lao dong cuoi nam: Soi dong tuyen dung viec lam thoi vu hinh anh 1
Thương mại, dịch vụ là những ngành nghề gia tăng tuyển dụng dịp cuối năm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh việc đảm bảo việc làm, thu nhập để giữ chân lực lượng lao động bị mất việc tiếp tục tham gia thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong thời điểm này. Bởi lẽ, khi những khó khăn của ngành sản xuất qua đi, các doanh nghiệp sẽ cần có sẵn lực lượng lao động để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, hiện nay các ngành như lao động, công đoàn, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đều đang phối hợp để cùng đưa ra nhièu giải pháp hỗ trợ người lao động.

Đảm bảo tiền lương, tiền thưởng Tết cho lao động

Thiếu việc làm vào thời điểm cuối năm là điều mà cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều không mong muốn khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Chính vì vậy, chăm lo Tết cho người lao động, đặc biệt là lao động khó khăn là ưu tiên lúc này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động.

Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực; đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Để bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng và các cấp chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.

Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức này được giao nhiệm vụ chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tính tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng kịp thời để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động./.

Theo PV (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-soi-dong-tuyen-dung-viec-lam-thoi-vu/837258.vnp

Đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới

Đây là chủ đề buổi tọa đàm “Đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới” vừa được Khoa Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương tổ chức thành công với sự tham gia của nhiều khách mời, diễn giả và đông đảo các bạn sinh viên.

Luôn nỗ lực để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Công đoàn Ngành Xây dựng và Công đoàn huyện Thanh Oai với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, bài bản, khoa học, đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bố trí đội ngũ cán bộ để vận hành 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã ngay sau sắp xếp

Theo Đề án, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.

Đại biểu đề nghị tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế với thuốc lá

Ngày 9/5, thảo luận về dự án Luật Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với việc tăng thuế với mặt hàng thuốc lá. Từ thực tiễn tại Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá.
Xem thêm