--> -->
Dòng sự kiện:

Đại biểu đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường

14/05/2025 18:51

Chia sẻ
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường sáp nhập, việc bố trí công chức chuyên môn chỉ xem xét giữ lại ở các xã không phải sáp nhập.
Đề nghị giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn

Ngày 14/5, thảo luận về về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đề cập đến mô hình của chính quyền cấp xã.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương là rất quan trọng, để cho UBND các cấp thấy rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chủ động thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ những trường hợp nào là cần thiết để cấp trên chỉ đạo giải quyết những công việc của cấp dưới, dẫn đến sẽ không chủ động trong giải quyết công việc của cả cấp trên và cấp dưới.

Đại biểu đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội

Hơn nữa khi phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn thì để cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các xã, phường đặc khu phải chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; UBND, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện; không nên giải quyết những việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp xã.

Sau sáp nhập xã, không tổ chức cấp huyện, số đầu mối thuộc UBND cấp tỉnh sẽ nhiều, nếu quy định như vậy thì sẽ khó khăn cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp phải giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của cấp xã.

Khoản 3 Điều 39 quy định: “Căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu giúp UBND cấp xã”.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét lại quy định lập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để có sự thống nhất chung cả nước.

Nhiệm vụ quyền hạn của cấp xã sau sáp nhập là rất lớn, yêu cầu phải giải quyết công việc nhiều và trực tiếp giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức và công dân. Vì vậy, quy định có thể bố trí công chức chuyên môn để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết các công việc của Ủy ban nhân dân cấp xã là sẽ rất khó khăn, khó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

“Vì vậy, tôi đề nghị nên bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường sáp nhập. Đối với việc bố trí công chức chuyên môn chỉ xem xét giữ lại ở các xã không phải sáp nhập”, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị.

Đại biểu đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ảnh: Quốc hội

Giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đồng tình với việc sửa đổi các nội dung liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân. Với sự sáp nhập các đơn vị hành chính, một số địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc, với nhân dân địa phương sẽ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức. Một cấp chính quyền từng đồng hành với sự phát triển của đất nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chấm dứt sự tồn tại.

Một số lượng lớn công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hoà nhập thị trường lao động, số còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào?

Người dân thì băn khoăn lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng, nhưng còn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng, thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân...

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị các ngành, các cấp cần sớm có câu trả lời, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập là bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã. Vì sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí.

Đồng thời phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân; tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã; đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương...

Đại biểu đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

Cần hướng dẫn cụ thể

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho rằng, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì chức năng, nhiệm vụ quyết định cũng như giám sát của HĐND cấp xã rất lớn.

Theo đại biểu, việc quy định chỉ có tối đa 3 đại biểu HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách có thể sẽ không đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Vì vậy, cần sửa theo hướng Trưởng ban của HĐND cấp xã có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách và cân nhắc bổ sung quy định ở các ban của HĐND cấp xã cũng có đại biểu, có thể có Ủy viên hoạt động chuyên trách.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, hiện nay các phường, quận ở các Thành phố thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị thì không có HĐND. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật và theo chỉ đạo chung của Đảng, sắp tới HĐND phường cũng sẽ được bầu cử tại nhiệm kỳ 2026 - 2031, do đó sẽ có các chức danh là lãnh đạo HĐND được cơ cấu vào cấp ủy.

“Nếu quy định như thế này mà không có hướng dẫn cụ thể thì sẽ rất khó khăn cho việc bố trí cán bộ trong việc sắp xếp hiện nay. Tôi đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất trên toàn quốc đối với những thành phố trực thuộc Trung ương mà đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị và không có HĐND phường”, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu rõ.

Phương Thảo

Học sinh nên làm gì sau khi biết tỷ lệ chọi?

Nhằm giúp học sinh, phụ huynh nắm được thông tin toàn cảnh về việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2025 - 2026, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển của từng trường. Từ số liệu cho thấy phụ huynh, học sinh đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định, hiểu năng lực học tập và lựa chọn nguyện vọng đăng ký dự tuyển khá hợp lý. Đáng chú ý là không có hiện tượng đăng ký tập trung ở một vài trường.

Đại biểu Quốc hội: Cán bộ, công chức làm việc từ xa phù hợp với yêu cầu mới

Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 14/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về làm việc từ xa sẽ là một bước đi phù hợp, thích ứng với yêu cầu mới trong quản trị nhà nước hiện đại; đề nghị phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quyết định cho phép làm việc từ xa, bảo đảm nguyên tắc về hiệu quả và kiểm soát được tiến độ chất lượng công việc.
Xem thêm