--> -->
Dòng sự kiện:

Trình Quốc hội đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku gần 44.000 tỷ đồng

19/05/2025 10:43

Chia sẻ
Dự kiến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nối Gia Lai với Bình Định dài 125 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ.
Đảm bảo linh hoạt trong phân chia nguồn thu ngân sách Chính phủ trình dự án một luật sửa 7 luật về đầu tư, tài chính Chủ tịch Quốc hội: Kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, việc sớm đầu tư dự án là cấp thiết vì mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Trình Quốc hội chủ trương xây dựng cao tốc có quy mô 43.734 tỉ đồng, dài 125 km
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. (Ảnh: QH)

Về phạm vi đầu tư, điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.

Dự án đi qua địa phận thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.

Quy mô đầu tư 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m; đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100.

Hướng tuyến được nghiên cứu lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đáp ứng các nguyên tắc phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường.

Phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng; bảo đảm kết nối thuận lợi với các trung tâm đô thị, khu chức năng quan trọng.

Dự kiến đầu tư 8 nút giao khác mức liên thông (3 nút giao thuộc địa phận tỉnh Bình Định và 5 nút giao thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) và phân kỳ đầu tư đối với 2 nút giao khác mức liên thông tại Km28+000 và Km88+500.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 491 hộ.

Trình Quốc hội đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku gần 44.000 tỷ đồng
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài dự kiến 125 km. (Ảnh minh họa)

Đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành dự án năm 2029. Dự án đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần như sau:

- Dự án thành phần 1: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bình Định.

- Dự án thành phần 2: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai.

Trên cơ sở đề xuất phân chia dự án thành 2 dự án thành phần, dự kiến cơ quan chủ quản thực hiện dự án như sau:

Dự án thành phần 1: UBND tỉnh Bình Định.

Dự án thành phần 2: UBND tỉnh Gia Lai.

Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẩm tra và đánh giá đủ điều kiện để trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Vì vậy, kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 257,35 ha sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Giao HĐND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xác định số liệu chính xác để thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

Việc xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là cần thiết, nhằm phát huy tốt lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Báo cáo thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, dự án chia thành 2 dự án thành phần theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và Gia Lai. Tuy nhiên, tới đây sau sáp nhập, 2 tỉnh sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh.

H.Phong

Khẳng định vai trò của công tác nữ công trong hoạt động công đoàn

Xác định công tác nữ công là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn quận Đống Đa đã tập trung triển khai hiệu quả công tác này, góp phần tích cực trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động và trẻ em.

Hà Nội ghi nhận thêm 181 trường hợp mắc sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9/5 đến ngày 16/5), toàn Thành phố ghi nhận 181 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện; số mắc giảm 8 ca so với tuần trước.

Người thợ điện yêu nghề và những sáng kiến mang lại hiệu quả sản xuất

Trong những dây chuyền sản xuất lớn, nơi âm thanh của máy móc hòa lẫn với nhịp sống công nghiệp hối hả, có những người công nhân thầm lặng đóng góp từng công đoạn nhỏ nhưng thiết yếu để giữ cho cả cỗ máy vận hành trơn tru. Kỹ sư hệ thống điện Lã Văn Giáp (công nhân sửa chữa điện tại Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội - LĐLĐ huyện Sóc Sơn) là một trong những người như thế.
Xem thêm